Chiếc Airbus 350 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cất cánh rời Hà Nội đi Guinea Xích đạo đón 219 công dân lúc 7h sáng nay (28/7), trong đó có 129 người đang bị nhiễm Covid-19.
Chuyến bay chưa từng có
Thời gian bay tới Guinea Xích đạo khoảng 12 tiếng, dự kiến máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Bata lúc 13h (giờ địa phương).
Chuyến bay không nhập cảnh và lưu lại sân bay tối đa khoảng 2 tiếng để đón 219 công dân Việt Nam. Sau đó, máy bay quay đầu cất cánh khứ hồi vào 16h ngày 28/7 (giờ địa phương), chuyến bay dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 11h ngày 29/7 (giờ Hà Nội).
Phi hành đoàn thực hiện chuyến bay có 19 người, gồm: 5 phi công, 8 tiếp viên nam, 2 nhân viên kỹ thuật mặt đất và 2 bác sỹ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Chỉ huy chuyến bay đặc biệt này là Cơ trưởng Phạm Đình Hưng – giáo viên, Phó đội trưởng Đội bay Airbus 350.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong số 219 người Việt đón về từ Guinea Xích đạo thì có 129 người đã nhiễm Covid-19. Do đó, chuyến bay được thực hiện theo quy trình đặc biệt nhất từ trước đến nay, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đối với phi hành đoàn và đội ngũ phục vụ chuyến bay là rất cao.
Trên hành trình dự phòng cả hoạt động cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó cáng y tế được lắp sẵn trên máy bay để sử dụng trong những tình huống khẩn cấp phát sinh, có nhiều bình ô xy.
Có 100 bộ đồ bảo hộ đặc chủng đã được cấp phát cho các thành viên phi hành đoàn; 300 khẩu trang N95 và bảo hộ y tế cũng đã sẵn sàng để cung cấp cho các hành khách trên chuyến bay.
Xem thêm:>> Cận cảnh Đà Nẵng phong tỏa 3 vùng “tâm dịch”
Một nguồn tin giấu tên cho PV Dân trí cho biết, có 3 khó khăn lớn nhất đối với chuyến bay này. Thứ nhất, việc đón 219 người Việt từ bệnh viện nước sở tại tới sân bay Bata rất khó khăn. Thứ hai, do hơn một nửa đã nhiễm Covid-19 nên hoạt động cách ly và chăm sóc y tế trên máy bay rất phức tạp. Thứ ba, việc di chuyển từ sân bay nào về bệnh viện để cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân là vấn đề rất lớn.
Chưa hết, đây là điểm đến mà hãng hàng không Việt Nam chưa từng khai thác thương mại, vì vậy trong lần đầu tiên xin cấp phép bay giữa Việt Nam và Guinea Xích đạo cũng như chuẩn bị các thủ tục chuyến bay đã gặp rất khó khăn.
Vì sao chọn đi/về Hà Nội?
Theo kế hoạch ban đầu, có 4 phương án triển khai chuyến bay.
Phương án 1, sử dụng máy bay A350, hành trình Hà Nội – Bata – Hà Nội. Vấn đề khó khăn về kỹ thuật là sân bay Bata hiện thông báo không có khả năng cung ứng nhiên liệu cho đến 10/8. Ngoài ra, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8 đủ điều kiện khai thác đối với tàu A350.
Phương án 2, sử dụng máy bay A350, hành trình Hà Nội – Bata – Malabo – Hà Nội. Phương án này áp dụng khi sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu. Đối với phương án này, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa như phương án 1 và xin phép bay chặng nội địa Bata – Malabo.
Phương án 3, sử dụng máy bay A350, hành trình Hà Nội – Malabo – Hà Nội. Phương án này được áp dụng trong trường hợp sân bay Bata không thể đáp ứng yêu cầu bổ sung xe cứu hỏa. Đối với phương án này, cần thực hiện việc di chuyển, tập kết hành khách từ nơi ở đến sân bay Malabo.
Phương án 4, sử dụng 2 tàu bay A321, trong đó 1 tàu chở khách dương tính với Covid-19 (khoảng 120 khách), 1 tàu chở khách bình thường (khoảng 10 khách), hành trình Hà Nội – Dubai (UAE) – Bata – Jeddah ( Ả-rập Xê út) – Ahnedabad (Ấn Độ) – Hà Nội.
Việc quyết định sử dụng phương án nào liên quan đến vấn đề y tế cấp bách đối với 129 người đã bị nhiễm Covid-19, họ cần đưa các bệnh nhân tới bệnh viện nhanh nhất có thể. Do đó, Hành trình Hà Nội – Bata – Hà Nội đã được phê duyệt, các yếu tố khai thác đã được hai nước phối hợp giải quyết.
Sự tối ưu phương án này nhìn thấy rõ về cự ly đưa 129 bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ sân bay về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Đông Anh chỉ tầm 10km, ước tính tương đương khoảng 10 phút chạy xe đặc chủng. Trong khi đó, nếu di chuyển từ Vân Đồn tới bệnh viện này thì sẽ mất khoảng 3 tiếng với cự ly hàng trăm cây số.
Trên máy bay, hành khách sẽ được chia làm 3 khu vực, ngăn cách bằng các tấm nhựa dẻo PVC. Trong đó khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch” và được lắp máy lọc không khí đặc chủng của Bộ Y tế. Đây cũng là nơi các y, bác sĩ và thành viên tổ bay ngồi trong suốt chuyến bay.
Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm” cũng được trang bị máy lọc này. Các thiết bị y tế mang theo dự kiến sẽ đặt tại đây. Riêng khoang hạng phổ thông sẽ được chia làm 2: Phần phía trên sẽ dành cho các hành khách được xác định âm tính trong khi phần dưới sẽ để phục vụ các hành khách dương tính với Covid-19.
Trên suốt hành trình, hành khách không được đi lại giữa các khoang.
Nguồn: dantri.com.vn