Thay vì sống đông đúc tại những khu vực trung tâm thành phố, nhiều gia đình bắt đầu nghĩ tới việc dịch chuyển ra các địa phương lân cận TP.HCM để hưởng thụ không khí trong lành, an yên.
Xu hướng dịch chuyển ra vùng ven
Trên thế giới, việc người dân hàng ngày di chuyển từ nơi ở vùng ven vào trung tâm để làm việc thông qua xe ô tô, tàu điện ngầm không còn là điều quá xa lạ. Trong khi các khu vực trung tâm ngày càng đông đúc dân cư, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên ngột ngạt thì vùng ven lại trở thành không gian sống lý tưởng của nhiều người, nhiều gia đình.
Không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên, tốt cho sức khỏe, giúp cân bằng cuộc sống… chính là những yếu tố thúc đẩy nhiều người chọn lựa một căn nhà vùng ven. Xu hướng này không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam cũng dần trở nên phổ biến, được dự báo phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Những tác động từ bên ngoài như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn kể cả căng thẳng trong công việc không giảm đi khiến nhiều người muốn tìm kiếm một sản phẩm nhà ở giúp nâng cao, tái tạo và hồi phục sức khỏe.
Tuy nhiên, để xu hướng dịch chuyển ra vùng ven trở nên bền vững tại Việt Nam nói chung và khu vực TP.HCM nói riêng, nhiều chuyên gia nhận định vấn đề quy hoạch cần được ưu tiên, trong đó có quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu theo từng chức năng.
Trên thực tế, TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đã có quy hoạch vùng TP.HCM với 7 tỉnh giáp ranh gồm Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang. Các thành phố vệ tinh xung quanh TP.HCM sẽ được quy hoạch đầy đủ về hạ tầng, cơ sở vật chất và các dịch vụ đời sống đi kèm.
Tương lai trong 3 – 5 năm nữa, khi các quy hoạch vùng dần hoàn thiện, xu hướng dịch chuyển nơi ở ra vùng ven sẽ càng mạnh mẽ hơn, kéo theo nhu cầu về ngôi nhà thứ hai (second home).